409/41 Đường ĐX 082, Kp 2, P. Định Hòa, TDM, Bình Dương
  Email:  huehungshoesmachine68@gmail.com

Sản xuất da giày, túi xách tại Công ty Huệ Hưng. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo ông Diệp Thành Kiệt, ngành da giày đang xuất hiện những xu hướng mới cả trên thế giới và trong nước. Trên thế giới, xu hướng phát triển của các thương hiệu da giày lớn là đều muốn dịch chuyển sang sản xuất ở các quốc gia có chi phí nhân công rẻ và có lợi thế về FTA, trong đó Banglades, Malaysia, Campuchia… đang là những thị trường được quan tâm.

Cùng với đó, các nhà sản xuất da giày lớn trên thế giới cũng có xu hướng tự sản xuất ngay tại các nước sở tại để tiết kiệm được thời gian vận chuyển. Việc kiểm soát cũng được siết chặt hơn. Nếu trước đây việc kiểm soát chỉ áp dụng với nguyên vật liệu và nhà máy thì nay ngay cả nguồn gốc máy móc, logistics cũng được kiểm soát chặt chẽ nhằm kiểm soát toàn bộ nguồn cung ứng và chi phí sản xuất. Yêu cầu về thời gian giao hàng cũng ngày càng ngắn hơn. Nếu như trước đây các nhà nhập khẩu thường yêu cầu thời gian từ lúc đặt hàng đến lúc giao hàng khoảng 90 ngày thì hiện nay khoảng thời gian này được rút ngắn chỉ còn 60 ngày. Các nhà sản xuất lớn cũng có xu hướng chuyển dịch sang các quốc gia có sẵn nguồn nguyên vật liệu nên quốc gia nào có nền công nghiệp phụ trợ phát triển thì sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn.

Đối với ngành da giày Việt Nam, trước tình hình chi phí nhân công tăng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận của các DN, các DN da giày cũng có xu hướng dịch chuyển sản xuất từ các tỉnh Đông Nam bộ, sang các tỉnh ĐBSCL. Theo số liệu thống kê của Lefaso, nếu như năm 2010, các DN da giày tập trung 70% tại vùng Đông Nam bộ thì đến nay đã giảm xuống chưa tới 70%. Nguyên nhân của sự dịch chuyển này là nhằm tiết giảm chi phí nhân công vì các tỉnh ĐBSCL là khu vực có hệ số tăng lương tối thiểu thấp hơn khu vực Đông Nam bộ. Đồng thời cũng là khu vực này có khoảng cách gần và hệ thống giao thông thuận tiện.

Bên cạnh sự dịch chuyển về sản xuất, ngành da giày trong nước cũng ghi nhận sự gia tăng của ngành công nghiệp phụ trợ. Theo số liệu thống kê, sản xuất nguyên liệu cho ngành da giày đã tăng 15%, cho ngành túi xách tăng từ 8% đến 10%, trong khi sản xuất giày dép, túi xách chỉ tăng trên dưới 2% cho thấy việc sản xuất nguyên vật liệu cho ngành đã tăng hơn rất nhiều.

“Một điều đáng chú ý nữa là sản xuất của ngành da giày Việt Nam đang tập trung hướng đến các sản phẩm có giá trị cao hơn. Trong năm 2017 giá trị xuất khẩu giày da trung bình của Việt Nam đã đạt đến trên 15 USD/đôi trong khi giá trị trung bình của thế giới mới chỉ ở mức gần 9 USD/đôi”, ông Kiệt cho biết.

Nhận định về ngành da giày Việt Nam, ông Kiệt cho biết, trên bản đồ da giày thế giới ngành da giày Việt Nam vẫn đang giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu và đứng thứ 3 về sản xuất. Năm 2017 kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày – túi xách đạt trên 18 tỷ USD, trong đó, Mỹ là thị trường XK lớn nhất chiếm 36% tổng kim ngạch XK với mức tăng trưởng 12%, EU chiếm 30,6% tổng kim ngạch XK. Năm 2018, ngành da giày đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017.

Dự báo ngành da giày vẫn có sức bật tốt nhờ tác động tích cực từ các FTA với các thị trường xuất khẩu lớn mà gần đây nhất là FTA Việt Nam – EU, CPTPP. Bên cạnh đó, ngành da giày Việt Nam vẫn khẳng định được lợi thế về chi phí nhân công cạnh tranh, nguồn lao động dồi dào có kỹ năng và kỷ luật tốt, thị trường nội địa giàu tiềm năng, khả năng đáp ứng ngày càng cao về công nghiệp phụ trợ và năng lực cạnh tranh lâu dài…/.